BỘ ĐỒ CỦA BẠN GIÁ BAO NHIÊU?
Chắc chắn giờ này các bạn cũng thấy video phỏng vấn giá quần áo giày túi của các bạn tham gia Sneaker Fest 2018 tại Sài Gòn rồi. Ý tưởng của video này là theo một số video nước ngoài với nội dung “How much is your outfit worth”, dịch là bộ đồ của bạn giá bao nhiêu. Trước khi bạn ngán ngẩm đọc tiếp thì không, blog này không phải để trình bày giá bộ đồ ngủ mình đang mặc để ngồi đánh máy. Chuyện là mình có một chút kinh nghiệm qua thời gian làm việc trong ngành công nghiệp thời trang, cụ thể là đối với phân khúc trung-cao cấp và sau đó là phân khúc siêu cao cấp. Bởi vậy với chút ít quan sát trong nghề, mình viết những dòng này để chia sẻ với bạn nhân dịp chủ đề giá quần áo đang khá được quan tâm.
ĐỒ HIỆU – KHÔNG CHỈ ĐỂ ĐỐT TIỀN
Khi bạn mua một món đồ thời trang đắt tiền, đúng là một phần lớn trong số đó nằm ở chi phí thương hiệu. Những hãng cao cấp họ bỏ rất nhiều tiền để tổ chức show, trang trí cửa hàng, xây dựng thương hiệu cũng như mua giấy hiệu ứng nhung xịn mát để gói đồ bạn sờ cho sướng tay. Bạn bỏ một số tiền lớn để mua cả một trải nghiệm từ khi cánh cửa kính được mở ra mời bạn bước vào cho đến khi bạn trở về nhà và gắn thương hiệu ấy với hình ảnh của bạn. Trách nhiệm của họ là xây dựng một thương hiệu đủ mạnh để bạn tự hào khoác nó lên người. Nhưng bên cạnh đó, không thể chối cãi chất lượng của hàng thời trang cao cấp. Ngoài độ xịn không thể chối cãi của các chất liệu, phải nói đến sự tinh tế của từng công đoạn sản xuất. Nếu có dịp so sánh, bạn hãy lật áo ra để xem những đường kim mũi chỉ, độ đứng của phom dáng cũng như các chi tiết may gập, viền, nối. Sẽ không bao giờ bạn tìm được một đường diềm vắt sổ lem nhem phía trong một món đồ cao cấp.
Trong chuyến đi Singapore vừa rồi, mình tình cờ được xem triển lãm Time Capsule, tạm giải thích là hành trình qua thời gian của Louis Vuitton. Cái hộp này được dựng lên để tổ chức triển lãm trong một thời gian ngắn ở khu mua sắm nổi tiếng Orchard. Không một tấm vé hay một sản phẩm nào được bán ở đây. Họ bỏ tiền ra triển lãm để làm một thứ gọi là Public Relations, tức là xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lòng bạn, quảng bá lịch sử và truyền thống đặc sắc đằng sau mỗi thiết kế của họ, từ đó bạn đánh giá cao đẳng cấp thương hiệu của họ hơn, bạn hiểu sự xa xỉ của họ hơn, khi dùng đồ của họ bạn cảm thấy tự hào hơn. Nhưng tất nhiên trong làm ăn không có đồng tiền nào là miễn phí, tất cả những nỗ lực xây dựng thương hiệu này sẽ được tính vào giá chiếc túi mà bạn mua.
MUA LẤY HẠNH PHÚC
Ai cũng có những thứ riêng làm họ cảm thấy tự tin nhất về mình. Sao mình lại nhắc đến “tự tin” mà không phải “hạnh phúc”? Bởi vì hạnh phúc là phạm trù quá mênh mông và nó liên quan đến quá nhiều yếu tố biến thiên đến từ những người khác ngoài bản thân bạn. Còn sự tự tin mang tính độc lập hơn và ở một mức độ nào đó, cụ thể hơn. Và bản thân sự tự tin cũng dẫn đến hạnh phúc. Vậy thì điều gì sẽ làm bạn tự tin nhất ở thời điểm hiện tại? Ở thời điểm hiện tại thôi nhé, vì theo thời gian những điều ấy sẽ thay đổi. Đối với chú bán vé số không nhà, một nơi ở an toàn lúc này sẽ làm chú tự tin. Đối với bạn sinh viên kia mới ra trường, một công việc ở công ty lớn sẽ làm bạn ấy tự tin. Đối với cô người mẫu nọ, mua được nhan sắc nổi bật nhất sẽ làm cô ấy tự tin. Đối với một người mẹ, mua được một lộ trình giáo dục cao cấp nhất cho đứa con của mình sẽ làm chị ấy tự tin. Và đối với rất nhiều người, mặc đồ hiệu sẽ làm họ tự tin.
Chú bán vé số kia chẳng cần nhan sắc của cô người mẫu nọ. Người mẹ kia chẳng cần cái danh công ty nổi tiếng như bạn sinh viên. Ví dụ như vậy để bạn thấy mỗi người đều có một hệ giá trị rất khác nhau không đo lường được bằng tiền. Tiền chỉ có thể quy ước cái giá của sản phẩm chứ không quy ước được mức độ sung sướng mà nó mang lại cho người mua. Mình nói với bạn vậy thôi chứ thực ra điều này không thể nói nhau nghe được, mỗi người đều phải trải nghiệm mới có thể thực sự thấy nó ra sao. Ví dụ nhé:
Tuổi học sinh của mình không có đồ hiệu. Kinh tế của ba mẹ cho mình một tuổi thơ đủ đầy nhưng không “sành điệu”. Thời đó cũng chưa có nhiều thương hiệu quốc tế ở Việt Nam và cũng chưa phải là thời đại của Instagram, vì thế tầm với của mình là đến các tạp chí nước ngoài trên mạng. Mình mê thời trang, mê mỹ phẩm, mê các thiết kế cao cấp. Cả thế giới của mình lúc ấy nằm trong Teen Vogue, Instyle, Elle, Cosmopolitan. Chỉ cần nghĩ về việc được tận mắt ngắm nghía một món đồ hiệu cũng làm mình mê mẩn, chưa nói đến sở hữu. Rồi ngày ấy cũng đến, mình khăn gói lên đường đi UK học thời trang, biến giấc mơ thành sự thật (giấc mơ ngắm nghía sờ mó chứ chưa phải giấc mơ sở hữu nhé).
Sau chuyến du học, mình trở về Sài Gòn cùng với làn sóng đổ bộ của hàng loạt thương hiệu quốc tế. Công việc đầu tiên của mình là Phóng viên thời trang/Stylist cho một tạp chí. Thế giới của mình xoay quanh quần áo giày dép, và đây là lúc mình có cái nhìn rõ hơn với đồ hiệu. Thực tế không như mình đã tưởng. Mình chỉ cảm thấy vui khi làm việc với đồ hiệu, phối chúng trên cơ thể người mẫu để tạo ra những thước hình đẹp, chứ những món đồ hiệu đầu tiên sở hữu không làm mình vui như hình dung. Việc phải bảo quản, chăm sóc và nâng niu đồ hiệu một cách đặc biệt làm mình cảm thấy khá ngại, và mặc thương hiệu lớn cũng chẳng làm mình tự tin như mình nghĩ. Sau một thời gian, mình dần tìm được sở thích đối với sự tối giản trong tư trang và sự bền đẹp vừa phải của những món đồ Premium-highstreet (Tức là xịn hơn Highstreet nhưng không ở phân khúc cao như Premium).
Sau khi rời khỏi thế giới của quần áo giày túi hiệu, mình bước vào một thế giới bí mật hơn của đá quý, xe đua, du thuyền và kim cương. Đây là thế giới của những gì không có trên thảm đỏ hay sàn diễn, thế giới của những chủ doanh nghiệp kín đáo, những nhân vật chính trị quan trọng và những bà nội trợ đằng sau người bạn đời đặc biệt thành công. Phần này mình không thể nói kỹ hơn vì nhiều lý do, nhưng tóm lại là thế giới ấy cuối cùng cũng không phải là điều mình ao ước bước vào.
Không phải mình chê đồ hiệu hay mình muốn thể hiện mình là tiên trên trời còn vật chất là phù du. Nhưng sau khi đã có một số trải nghiệm nhất định, những thứ ấy không mang lại cho cá nhân mình niềm vui. Cầm tiền trong tay, mình thích bỏ vào nhà cửa, du lịch, mèo và các trải nghiệm mới. Đó là những điều làm mình cảm thấy vui. 100% tôn trọng những người tìm thấy niềm vui ở việc mặc quần áo hiệu, không khác gì những người tìm thấy niềm vui ở việc sưu tầm đồ cổ, chơi xe hơi hay cập nhật đồ công nghệ. Một đôi giày USD1,000 có giá USD1,000 đối với tất cả mọi người, nhưng nó sẽ mang lại cho mình ít niềm vui hơn một bạn nào đó ở Sneaker Fest. Sự khác biệt trong hệ giá trị ấy chính là vẻ đẹp làm cho cuộc sống này nhiều màu sắc hơn.
TẠI SAO MẶC ĐỒ HIỆU VẪN XẤU, BẠN ĐANG TỰ HỎI?
Vì xấu đẹp phụ thuộc vào sở thích cá nhân, phông văn hoá và gu thẩm mỹ của mỗi người, tiền không liên quan, ai có nhiêu xài nhiêu việc của họ. Mình thấy thực sự nguy hiểm khi hàng năm, cứ mỗi kỳ Tuần lễ thời trang Việt Nam lại xuất hiện đầy rẫy các bình luận chửi mấy bạn ăn mặc khác người. Chính sự khác người trong nghệ thuật, sự nổi loạn của tuổi trẻ sẽ dẫn đến những điều tuyệt vời phía trước. Trong một bức tranh cầu vồng đủ màu sẽ có những màu bạn thích và không thích, tuy nhiên sống trong một bức tranh cầu vồng thì vẫn vui hơn là sống trong bức tranh chỉ có một màu xám “đúng mực” đúng không?
VẬY CUỐI CÙNG LÀ BỌN TRẺ CON THỜI NAY NÓ THẾ NÀO?
Hãy mừng vì trẻ con bây giờ có đứa thích thời trang, có đứa thích nhảy nhót, có đứa thích thể thao, có đứa thích công nghệ và đừng hành xử như kiểu ngày xưa bạn chưa từng bày trò nổi loạn như thế. Trong ngành marketing, thế hệ sinh năm 2000 trở đi được gọi là Digital Innovators đó bạn à. Thế hệ mình và bạn chỉ là những đứa Digital Savvy – biết sử dụng công nghệ thôi, còn những đứa trẻ 2000 sẽ đổi mới và làm chủ mọi thứ. Tới lúc đó có khi tụi nó làm sếp tụi mình không chừng, bởi vậy hãy tử tế với tụi nó một chút nhé 😉.
linh
July 10, 2018 @ 11:09 pm
cảm ơn Giang về những chia sẻ rất thứ vị
Kiboro
July 11, 2018 @ 12:47 am
Chị biết gì không? Điều em cảm nhận được nhiều nhất từ chị chính là sự cảm thông và tôn trọng sự khác biệt đấy.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ đặc biệt và chân thành.
Kiboro
July 11, 2018 @ 12:50 am
Chị biết gì không? Điều em cảm nhận được nhiều nhất từ chị chính là sự cảm thông và tôn trọng sự khác biệt đó.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ đặc biệt và chân thành.
Hà Trang
July 13, 2018 @ 10:32 am
Hay quá chị ơi
Quinn
July 15, 2018 @ 2:33 pm
Người ta hay gây gắt với sự khác biệt và nhiều người vịn vào điều đó để gây sư chú ý bằng những bộ đồ phản cảm.
TPHoang
July 20, 2018 @ 8:32 pm
Lần đầu tiên đọc blog của chị, blog hay nhưng góp ý cho chị tí về một số dấu câu theo em cảm thấy khi đọc có cảm giác hơi gượng gạo tí. Mong chị sẽ viết blog nhiều hơn ^^
Thy Hoang Duong
August 26, 2018 @ 8:14 pm
Rất thích blog của chị^^
YN The Rabbit
November 16, 2018 @ 12:00 pm
Yêu chị ♥️
Phan Hà
November 19, 2018 @ 4:32 pm
Cám ưi chị Gianggg. Văn phong của chị lúc nào cũng cuốn hút em. You’re my inspiration!
Ngoc Do
November 21, 2018 @ 11:33 pm
Trong ngành marketing, thế hệ sinh năm 2000 trở đi được gọi là Digital Innovators đó bạn à. Thế hệ mình và bạn chỉ là những đứa Digital Savvy – biết sử dụng công nghệ thôi, còn những đứa trẻ 2000 sẽ đổi mới và làm chủ mọi thứ. (y) (y) (y)
Khoa Nguyễn Đăng
February 15, 2019 @ 11:11 am
bài viết hay lắm chị ơi
phuong minh
February 18, 2019 @ 7:52 pm
yêu chị
Mai thảo trần
March 21, 2019 @ 11:48 am
Cảm ơn những chia sẻ của c trên vlog cũng như youtube, e được thông não nhiều thứ lắm ạ, e tìm nét tính cách mà e muốn hướng tới trong con người c, e sẽ học hỏi ở c và vẫn sẽ là e! Cảm ơn c lần nữa ạ
haha
March 26, 2019 @ 1:45 pm
:v
Dien anh
April 1, 2019 @ 12:04 am
thích quan điểm của chị quá à. Bài này với bài telesale (y)
Thân Việt Thủy
July 14, 2019 @ 10:54 pm
Thật sự đọc xong bài viết của chị ( mặc dù không liên quan lắm) nhưng em cũng cảm thấy có phần nào tự tin hơn và dám bỏ qua mặc cảm về việc trang phục của mình. Chứ trước giờ mấy bạn e mặc đồ hiệu còn e thì không, điều ấy làm em hơi ngại ngùng khi tiếp xúc với chúng nó. Cám ơn bài viết của chị nhiều ạ
Tiệp Vũ
January 7, 2020 @ 6:13 pm
Hay quá
Thơ Lê
January 11, 2020 @ 7:03 pm
chị Giang nói rất hợp lí luôn, tư duy và vẻ đẹp của mỗi người là của riêng họ, thể hiện nó cũng là quyền của họ. Khi mở miệng chỉ trích họ, chưa cần nói bạn nhiều tuổi bao nhiêu, phán xét người khác nghĩa là bạn đã lùi 2 bước rồi.
ngnoben012
January 21, 2020 @ 12:23 pm
Haha, kết bài dễ thương quá chị Giang =)))
ngnoben012
January 29, 2020 @ 1:20 pm
Tại sao mặt đồ hiệu mà vẫn không đẹp!!! Hehe tâm đắc Giang ơi.
ngnoben012
January 29, 2020 @ 1:22 pm
Chúng ta lại gặp nhau =))
gái gọi hà nội
February 28, 2020 @ 5:31 pm
Bài viết của chị hay quá, có rất nhiều điều đáng để học hỏi!
Thanks chị
Minh Khanh
July 31, 2020 @ 4:37 pm
Bộ đồ mặc trên người của mình chưa bao giờ trên 1 triệu. Các bạn trẻ ngày nay được bố mẹ chiều chuộng cho mua cái này, cài kia. Công nhận thích thật.